Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

10 "Chiêu" đơn giản kích thích trí thông minh sớm của trẻ

(Tuticare Lê Đức Thọ)-Khoa học đã chứng minh những đứa trẻ được rèn luyện trí thông minh ngay khi lọt lòng có thành tích tốt hơn hẳn các trẻ khác. Hầu hết các bài tập kích thích trẻ thông minh sớm đều rất đơn giản, cha mẹ có thể thực hiện bất cứ khi nào: khi tắm, khi chơi, khi cho ăn sữa bột… Cha mẹ nên dành thời gian để áp dụng các phương pháp sau.

✿  Kích thích xúc giác


  1. Cù vào lòng bàn chân của bé: Tiếng cười là bước phát triển đầu tiên, kích thích sự hài hước của bé. Mẹ có thể cùng bé chơi trò “kéo cưa lừa xẻ” và kết thúc trò chơi bằng cách cù dưới chân con.
  2. Thổi nhẹ vào bé: thổi nhẹ vào lông mày, cánh tay, cổ hay bụng của bé và sau đó mẹ hãy chú ý quan sát phản ứng của con, bé sẽ rất ngạc nhiên thích thú với trò chơi này.

✿  Kích thích thị giác


  1. Giao tiếp bằng mắt: Khi ở bên con, cha mẹ nên thường xuyên giao tiếp bằng mắt với con, nhìn thẳng vào mắt của con khi chúng mở mắt. Trẻ sơ sinh biết nhận diện khuôn mặt rất sớm, nên việc nhìn thấy khuôn mặt của mẹ ngay từ những ngày đầu sẽ giúp bé lưu trữ được hình ảnh đó trong bộ nhớ.
  2. Cử chỉ nét mặt: trẻ 2 ngày tuổi có thể bắt chước được những cử động đơn giản trên khuôn mặt mẹ. Các bé bắt chước rất nhanh các cử chỉ chu môi, le lưỡi, nhíu mày. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự tư duy và các giải quyết vấn đề của trẻ.
  3. Cho bé nhìn hình kẻ caro đen trắng: Nếu bé mới sinh, dưới một tháng tuổi, mỗi ngày cho bé nhìn hình kẻ ka-rô ô đen trắng, mỗi ngày 3 phút, liên tục như vậy trong vòng một tuần. Khả năng tập trung của bé, từ lúc chỉ chưa đầy 5 giây, sẽ tăng lên 60- 90 giây. Khả năng tập trung cao độ, sẽ liên quan tốt tới việc học nhiều điều sau này. Khả năng tập trung là nền móng của khả năng học tập.
  4. Cho trẻ soi gương: Trẻ có thể nhìn chằm chằm vào hình ảnh của chính mình ở trong gương. Lúc đầu, con có thể nghĩ đó là một em bé dễ thương và bé sẽ thích khi được em bé trong gương mỉm cười và vẫy tay với bé.
  5. Bế em bé tới gần bảng chữ cái: Mỗi ngày 1 một lần, mỗi lần 2,3 giây thôi, lặp đi lặp lại như vậy, cũng khiến bé vui sướng vùng vẫy chân tay mỗi khi được bé tới gần bảng chữ cái đó.
  6. Cho thấy sự khác biệt: Giơ 2 bức ảnh cách khoảng 20cm so với mặt bé. 2 bức ảnh có hình ảnh khác nhau: chẳng hạn 1 bức có hình bông hoa, 1 bức có hình khuôn mặt bé. Mẹ nên biết rằng ngay cả bé sơ sinh cũng có tư duy phân biệt, đây là giai đoạn khởi đầu cho khả năng tư duy và đọc của bé về sau.

✿ Kích thích thính giác


  1. Bập bẹ nói chuyện với con: Khi mẹ nói chuyện với con, hãy nói chậm và có khoảng ngừng để bé có cơ hội được đáp lại. Dần dần như vậy, bé sẽ bắt được nhịp điệu của cuộc trò chuyện và lấp kín được khoảng trống.
  2. Đa dạng giọng điệu: Bé sẽ thích nghe nhiều giọng điệu khác nhau từ mẹ, do đó mẹ nên cố gắng đa dạng cách nói chuyện cùng giọng điệu để thu hút sự chú ý của bé.
  3. Hát một bài hát: Mẹ hãy cố gắng tìm hiểu nhiều giai điệu phù hợp với trẻ để có thể hát cho con nghe. Hoặc mẹ hãy trở thành nhạc sĩ, tự sáng tác ra những vần điệu (chẳng hạn như lời nhạc, này giờ thay tã tới rồi, thay tã, thay tã…). Một số nghiên cứu cho thất rằng việc làm quen với âm nhạc ngay từ nhỏ sẽ có liên quan đến khả năng tư duy môn toán học của bé sau này.
  4. Tạo ra các tiếng vui nhộn khi bé chạm vào mẹ: Để bé chạm vào mũi, má hoặc chạm vào lưỡi hay kéo tai mẹ. Tạo ra một tiếng động vui nhộn mỗi lần bé chạm vào mẹ.
  5. Cho bé nghe nhạc: Hàng ngày nên cho em bé nghe những bản nhạc có chọn lọc. Mỗi lần chỉ nghe khoảng 15 phút, mỗi ngày nghe khoảng 30 phút là được. Nên để bé nghe những bản nhạc nhẹ nhàng với âm lượng không quá lớn. Phải chú ý rằng, nếu để em bé nghe băng hay đĩa CD trong thời gian dài, em bé sẽ quen và thích tiếng máy, tiếng băng đĩa hơn và không có biểu hiện cảm xúc với tiếng nói thực của người mẹ.

✿ Kích thích trí nhớ cho bé


  1. Liên tục nói với con về tên các đồ vật: Điều quan trọng là phải nói chuyện nhiều với em bé từ khi lọt lòng. Khi cho em bé bú, khi thay tã lót, khi tắm cho bé, hãy nhẹ nhàng nói chuyện với bé. Vừa thay tã lót cho em bé, vừa cầm nắm tay, chân bé vừa nói “Đây là cái tay này, tay, tay, tay” lặp đi lặp lại. Hoặc là vừa thay tã lót cho bé, vừa cho bé xem quả bóng hay con búp bê vừa nói “Đây là quả bóng này, quả bóng, quả bóng” “Đây là con búp bê, búp bê, búp bê” cũng là cách dạy em bé. Các mẹ Nhật đã áp dụng cách này để con có thể phát âm chính xác từ 8-9 tháng tuổi.
  2. Tạo album gia đình: Giữ lại những bức ảnh họ hàng, người thân và chỉ cho bé từng bức ảnh để lưu giữ hình ảnh người thân trong kí ức của bé.
  3. Tạo một cuốn sách sở thú: Mẹ sưu tập những hình động vật và tạo thành một cuốn album. Sau đó, đọc lại cho bé nghe, gọi tên, mô tả đặc điểm vào những câu chuyện với từng con vật.
  4. Cho bé xem video: Những video quay cảnh bé biết lẫy, biết bò, đang tắm hoặc chơi cùng ông bà.
  5. Chơi trò nhận diện: Đặt một số ảnh ông bà, bố mẹ lên sàn nhà và để bé tìm ảnh của từng người. Trò chơi này giúp bé sớm nhận diện được mọi người xung quanh.

✿  Thời gian cho hai mẹ con


  1. Dạy bé khi thay tã: Tận dụng thời gian đó, mẹ hãy dạy con về tên các bộ phận trên cơ thể hoặc các loại quần áo.
  2. Nói không với ti vi: Sự phát triển của não bé trong những tháng đầu đời không cần phụ thuộc vào tivi hay bất cứ một chương trình truyền hình nào. Do đó, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện giúp con nhận thức nhanh hơn.
  3. Đừng quên cho con nghỉ ngơi: Mỗi ngày, mẹ hãy dành ít phút ngồi trên sàn nhà với bé, không cần âm nhạc, ánh sáng hay bất cứ trò chơi nào. Mẹ hãy cứ để bé tự mình ngắm và ghi nhớ đồ đạc, cảnh vật xung quanh.

✿ Phát triển thể chất


  1. Nằm và chơi: Mẹ nằm xuống trên sàn, để bé leo trèo và bò qua người. Cách này giúp bé tăng kỹ năng phối hợp tay mắt và giải quyết vấn đề.
  2. Xây dựng các chướng ngại vật: Tăng kỹ năng vận động cho bé bằng cách đặt đệm sofa, gối, hộp mềm hoặc đồ chơi trên sàn nhà và sau đó chỉ cho bé làm thế nào để bò trên, dưới và xung quanh các đồ vật.
  3. Bò theo mẹ: Mẹ bò phía trước để con bò theo. mẹ nên thay đổi tốc độ nhanh, chậm để bé bò theo. Sau đó, dừng lại ở một điểm vui chơi thú vị.

✿  Khám phá môi trường mới


  1. Chia sẻ cảnh quan: Thỉnh thoảng mẹ nên cho bé ra ngoài đi dạo. Đặt bé ở trên địu, ngồi trên xe đẩy và cùng mẹ ra ngoài, mẹ có thể nói cho bé những gì mẹ nhìn thấy: “Đó là một con chó con” hoặc “Cái cây này to quá” hay “Con có nghe thấy còi xe cứu hỏa không”… Cách này giúp bé xây dựng vốn từ hiệu quả.
  2. Đi mua sắm: Mẹ có thể đưa con tới siêu thị. Các gian hàng, âm thanh và màu sắc trong siêu thị cũng giúp bé học hỏi nhiều điều.
  3. Thay đổi cảnh quan: Chuyển ghế ngồi bàn ăn của bé sang chỗ khác trên bàn ăn để bé ghi nhớ được vị trí các món ăn được đặt trên bàn ăn.

✿ Chơi cùng con


  1. Chơi trò giấu đồ: Lấy một vài hộp nhựa rỗng, giấu một đồ chơi nhỏ bé dưới một hộp nhựa. Thả các hộp nhựa vào một hộp bìa cứng và xem bé tìm đồ chơi.
  2. Chơi ú òa: Trò chơi này mang tới tiếng cười khúc khích cho bé. Bé sẽ biết các đối tượng sẽ biến mất và trở lại thế nào.
  3. Bé thả – mẹ nhặt: Bé có thể thích thả đồ chơi xuống sàn khi đang ngồi trên một chiếc ghế cao. Sau đó, mẹ sẽ nhặt giúp bé. Có thể trong trường hợp này bé đang thích thử nghiệm về các định luật hấp dẫn.

✿ Dạy bé về chất liệu


  1. Kéo giấy ăn: Nếu bé thích kéo khăn giấy ra khỏi hộp giấy, mẹ cứ để bé được vui chơi. Bé sẽ khám phá được chất liệu mềm của giấy khi kéo ra khỏi hộp. Đồng thời, giấu một đồ chơi nhỏ, cứng vào hộp khăn giấy và để bé tự tìm ra.
  2. Chất liệu khác nhau: Lấy vài hộp khăn giấy rỗng, bỏ vào đó những miếng vải chất liệu khác nhau như vải len, ren, lanh. Để bé kéo vải nhẹ nhàng ra khỏi hộp hoặc mẹ cọ nhẹ từng miếng vải sạch lên má, bàn chân, bụng của bé để bé cảm nhận từng chất liệu vải.
  3. Để bé chạm vào nhiều thứ: Dắt bé đi bộ quanh nhà, mẹ cầm tay bé để bé chạm tay vào cử sổ, một miếng vải mềm, một đồ chơi nhồi bông mịn và những đồ an toàn khác.
  4. Để bé được chơi với đồ ăn: Khi bé đã sẵn sàng ăn bốc, cho bé một số đồ ăn có kết cấu khác nhau như hạt đỗ hấp chín, mì ống cắt ngắn, những miếng dưa hấu…Làm vậy giúp con nhanh chóng nhận biết được các loại đồ ăn.

✿  Dạy bé ngôn ngữ và đếm


  1. Mỗi tuần dạy bé một chữ cái: Chẳng hạn, đọc sách bắt đầu bằng chữ “a”, ăn một món có chữ “a”, cắt đồ ăn nhẹ theo hình dạng chữ “a” hoặc viết chữ “a” bằng phấn lên hè.
  2. Đếm tất cả mọi thứ: Đếm số khối hình mà bé đang xếp hoặc số lượng các bước chân của bé. Đếm ngón tay, ngón chân của mẹ và bé. Duy trì thói quen đếm mọi thứ cho bé sẽ giúp con tư duy tốt.
  3. Đọc sách: Các nhà nghiên cứu tin rằng, bé 8 tháng tuổi có thể hiểu được trình tự của câu chuyện nếu được nghe 2-3 lần liên tiếp. Điều này được tin là sẽ giúp bé học tốt ngôn ngữ.
  4. Kể chuyện: Kể một mẩu chuyện ngắn, thay thế tên nhân vật chính bằng tên bé cho vui.
  5. Đi thư viện: Mẹ hãy cùng bé mua sách và tìm những cuốn sách thú vị.
Những lời khuyên phát triển khác

  1. Khuyến khích đặt câu hỏi: Tìm những chi tiết nhỏ trong bức ảnh và khuyến khích bé đặt câu hỏi.
  2. Cho bé tự quyết: Đặt ra các món đồ khác nhau và cho bé được quyền tự lựa chọn thứ mà con thích.
  3. Ăn mặc: Cho bé chơi cùng sơmi cũ của bố, chơi cùng khăn quàng, mũ, găng tay cũ của mẹ. Đặt ra những tình huống giả vờ và để bé sáng tạo.
  4. Chơi lại lần nữa: Với những đồ chơi bé làm hỏng, đừng vội bỏ đi vì bé có thể chơi đồ chơi hỏng theo cách riêng của bé, miễn là chúng an toàn.
  5. Nói chuyện với bé: Trò chuyện với bé xem hôm nay bé có gì vui hay buồn, điều gì làm bé hạnh phúc và tức giận? Việc làm này sẽ giúp bé nhớ lại những sự kiện trong ngày, hiểu được khái niệm quá khứ và gọi tên đúng cảm xúc của con.
  6. Hình ảnh và thực tế: Chỉ cho bé thấy một số côn trùng vô hại (dế, bướm, bọ rùa) trong sách (tạp chí) sau đó, đi tới công viên để tìm chúng.
  7. Tìm màu: Mẹ gợi ý để bé tìm những thứ có màu xanh khi hai mẹ con đi xe bus hoặc đi du lịch. Sau đó, để bé chọn một màu khác và hai mẹ con tiếp tục tìm kiếm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét