Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

10 biểu hiện "LẠ" nhưng không "NGUY" ở trẻ sơ sinh

(Tuticare Lê Đức Thọ) - Lần đầu làm mẹ, hẳn bạn sẽ cảm thấy đứng ngồi không yêu khi nhận thấy bé cưng có những triệu chứng "đáng ngờ" như có máu trong tã, trẻ sơ sinh hắt hơi liên tục, mắt bé bị lé, bộ... Làm sao đây mẹ ơi? Những triệu chứng này có đáng lo?

✿  1/ Mắt bé bị … lé?


Đôi khi bạn thấy mắt bé có vẻ  tụ lại cùng một chỗ hoặc nhìn về 2 hướng khác nhau và cho rằng con bị lác hoặc lé. Thực tế, phải mất tới 4 tháng, hai mắt của con cưng mới có thể hoạt động nhất quán. Bây giờ lo thì có vẻ hơi sớm mẹ nhỉ?

 

✿  2/ Tiếng xì hơi trong tã

Với những người lần đầu làm mẹ, hiện tượng này có thể làm bạn hơi bối rối. Thông thường, bé bị xì hơi có thể do nuốt khí trong lúc bú mẹ, bé bị ảnh hưởng bởi thức ăn của mẹ hoặc đang có trục trặc trong hệ tiêu hóa. Để hạn chế tình trạng này, mẹ có thể cho bé nằm ngửa, nắm lấy mắt cá chân và bắt đầu đưa chân bé vào chuyển động đạp xe đạp. Động tác này sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, có tác dụng ngăn ngừa đầy bụng, táo bón.

Ở một vài trẻ, sau lần xì hơi mẹ sẽ thấy trong tã có lẫn cả phân su. Màu phân có thể là nâu, xanh, vàng và có lẫn hạt cát. Bạn cũng không cần quá lo lắng trừ khi thấy có máu lẫn trong phân của bé.
✿  3/ Bộ ngực “đồ sộ”

Một số trẻ sơ sinh, cả bé trai và bé gái, có bộ ngực lớn bất thường, do bé đã tiếp xúc với hoóc-môn từ mẹ trong suốt thai kỳ. Hiện tượng này sẽ dần biến mất nên mẹ không cần quá lo. Chỉ trong trường hợp có các vết hoặc đốm đỏ xung quanh ngực của bé kèm theo sốt, mẹ mới cần đưa bé đi kiểm tra. Đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

✿  4/ Bé thường gây tiếng động lạ


Thực tế, bạn không thể mong đợi bé cưng chỉ rì rầm hay khóc lóc. Bạn sẽ thấy rằng nhóc tì của mình đang gầm gừ, rít lên, rên rỉ và tạo ra mọi âm thanh kỳ lạ nhất. Điều này có thể được tạo ra do phần mũi của bé khá nhỏ, dẫn đến chất nhầy bị mắc kẹt trong đó, tạo ra những tiếng kêu. Nếu thường xuyên nghe “bản giao hưởng” như thế, mẹ nên vệ sinh mũi cho bé cưng. Nếu bé tạo ra âm thanh lạ trong mỗi nhịp thở, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ. Có thể bé cưng đang gặp vấn đề về hô hấp.

✿  5/ Những cơn hắt hơi liên tục


Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch còn non yếu nên bé có thể trở nên nhạy cảm quá mức với mọi thứ xung quanh mình. Mẹ có thể thấy con hắt hơi liên tục chỉ để tống khứ một vật thể lạ xâm nhập qua đường mũi hoặc đơn giản vì mẹ cho bé tắm nắng nhiều hơn bình thường. Mẹ không cần quá lo, trừ khi bé hắt hơi kèm theo thở khò khè. Đây có thể là dấu hiệu bé đang bị viêm mũi, viêm họng hoặc dị ứng, cần được thăm khám và điều trị kịp thời.

✿  6/ Phản xạ giật mình


Tay chân bé liên tục chuyển động, giật mình và quẫy đạp có thể làm mẹ cảm thấy khá phiền phức trong thời gian đầu. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản xạ tự nhiên của trẻ sơ sinh, sẽ kéo dài trong 5-6 tháng. Bé thường giơ hai tay và co hai chân, có thể quấy khóc khi bỗng nhiên nghe tiếng động lớn hay bị chạm vào cơ thể. Phản xạ này là phản ánh sự phát triển của não bộ. Thực tế, nếu bé không có các phản xạ giật mình, đập tay, giãy chân, mẹ mới phải lo lắng và đưa bé đi kiểm tra ngay.

✿  7/ Cái đầu dị thường


Đầu của bé mới sinh thường mềm nên việc di chuyển qua vùng xương chậu có thể gây ra sự biến dạng. Ngoài ra, trong suốt quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ thường xuyên cho bé nằm ngửa hoặc chỉ nằm nghiêng về một bên cũng ảnh hưởng đến hình dạng đầu. Để tránh làm đầu trẻ bị méo, mẹ nên cho con nằm sấp nhiều hơn khi bé đang thức, thay đổi vị trí đặt đồ chơi để bé không nằm nghiêng quá nhiều về một hướng.
Trong trường hợp đã thử mọi cách mà đầu bé vẫn bị méo ở một vài chỗ, mẹ nên đưa bé đến hỏi sự tư vấn của bác sĩ. Có thể bé sẽ cần phải đội một chiếc nón để tạm thời định hình đầu.

✿  8/ Bộ phận sinh dục bị sưng


Một số bé trai có bộ phận sinh dục, đặc biệt là tinh hoàn lớn hơn các bé bình thường. Hiện tượng này cũng xảy ra ở các bé gái. Điều này xảy ra do tác dụng của các hoóc-môn trong quá trình mang thai. Đừng lo lắng, bé sẽ nhanh chóng bài tiết hết những ứ đọng này ra ngoài thông qua đường tiểu trong một vài ngày.

✿   9/ Đầu bé có vảy


Những mảnh vảy hay còn gọi là “cứt trâu” là hiện tượng khá phổ biến ở hầu hết các bé sơ sinh. Đây là một dạng viêm da tiết bã nhờn nhưng không mấy ảnh hưởng đến sức khỏe bé. Chúng sẽ tự biến mất sau một thời gian, Mẹ có thể dùng dầu trẻ em bôi da đầu cho bé, hoặc thường xuyên gội đầy để giúp bé cảm thấy sạch, mát.

✿  10/ Có máu trong tã


Điều này có thể làm bất cứ phụ huynh nào hoảng hốt. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh xem xét, mọi chuyện sẽ không quá nghiêm trọng đâu mẹ ơi. Với các bé gái, việc xuất hiện máu trong tã có thể do bé cưng vẫn đang bị ảnh hưởng bởi những hoóc-môn trong tử cung của bạn. Và một đợt đèn đỏ mini là điều không mấy lạ lùng. Những hoóc môn sẽ giảm đi nhanh chóng. Các bé trai lại có thể chảy máu do mới đươc cắt bao quy đầu, hoặc do bé bị hăm tã mà thôi. Nếu vẫn còn cảm thấy lo lắng, tốt nhất mẹ nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét